Vinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo Slider

Dinh dưỡng của trẻ luôn là điều mà các bậc cha mẹ hết sức quan tâm. Làm thế nào để trẻ vừa có đủ chất đinh dưỡng mà lại đảm bảo sức khỏe? Một chế độ dinh dưỡng cân đối sẽ giúp bé lớn nhanh và khỏe mạnh. Mẹ cần bổ sung đầy đủ tất cả các loại chất dinh dưỡng, các vi chất và khoáng chất cần thiết, đặc biệt là chất xơ sẽ không thể thiếu trong khẩu phần ăn uống của các bé.

1. Thực phẩm có chứa chất xơ

Chất xơ bao gồm 2 loại: chất xơ hòa tan và không hòa tan. Trong đó, chất xơ hòa tan làm tăng độ acid trong đường ruột, kích thích các vi sinh có lợi phát triển, ức chế hoạt động của vi sinh có hại, làm giảm sự tạo thành các hợp chất độc cho cơ thể, tăng hấp thu chất khoáng. Bên cạnh đó khi đi qua ruột, chất xơ hòa tan có khả năng làm tăng độ xốp, mềm phân giúp trẻ đại tiện dễ dàng hơn. Chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại thực phẩm như khoai tây, bắp cải, các loại rau nhớt như mồng tơi, rau đay… Chất xơ không hòa tan có đặc tính hút nước, trương nở khi đi qua ruột, tạo thể tích lớn, làm tăng sự co bóp của ruột, giúp tăng cường sự bài tiết và thải độc. Chất xơ không hòa tan có nhiều trong vỏ các loại quả, hay vỏ hạt ngũ cốc và các loại rau củ quả khô.

chat xo khong hoa tan

Chất xơ không hòa tan có nhiều trong vỏ các loại quả, vỏ hạt ngũ cốc

2. Vai trò của chất xơ trong phòng chống táo bón ở trẻ

Chất xơ không hòa tan và chất xơ hòa tan đều có tác dụng chống táo bón ở trẻ: chất xơ hòa tan khi vào cơ thể hút nước tạo thành dạng gel, loại gel này giúp tăng độ xốp, mềm phân, kích thích các phản ứng trao đổi chất, tối ưu quá trình hấp thụ dinh dưỡng; trong khi đó chất xơ không hòa tan nhờ tính chất các mạch polysachharides có đặc tính hút nước, làm tăng khối lượng của phân, từ đó kích thích thành ruột, tác động lên nhu động ruột, tăng co bóp để tống phân ra ngoài.

Bổ sung chất xơ, đảm bảo việc đại tiện được thực hiện đều đặn hàng ngày giúp cơ thể trẻ thải chất độc thường xuyên và tránh việc ngấm chất độc từ phân vào máu. Ngược lại, nếu không bổ sung chất xơ, trẻ em thường bị táo bón. Lâu ngày dẫn tới tình trạng khó chịu, cáu gắt do chất độc ứ đọng trong cơ thể có ít nhiều tác động xấu tới hệ thần kinh.

3. Nhu cầu chất xơ của trẻ

Cha mẹ nên cho trẻ tập ăn rau ngay khi bé bắt đầu ăn dặm và nên cho trẻ ăn cả xác rau vì chất xơ nằm chủ yếu ở phần xác. Nên tập cho bé ăn các loại rau mềm trước như: rau mồng tơi, rau muống để bé dễ dàng thích nghi rồi sau mới đến các loại rau cứng hơn như rau ngót, rau cải,.... Trong 100g rau các loại có khoảng 1- 3g chất xơ. Trong 100g trái cây các loại có khoảng 0.5 – 6g chất xơ. Chất xơ có chủ yếu trong các loại rau cải mồng tơi, khoai lang, trái cây, ngũ cốc. Hàm lượng chất xơ của một số loại thực phẩm như sau: 100g gạo trắng (2,4g chất xơ), 100g hạt đậu nành (15,7g), 100g bắp cải (2,5g),….

chat xo hoa tan, khong hoa tan

4. Một số lưu ý khi bổ sung chất xơ cho trẻ

– Đối với hoa quả, mẹ không nên chỉ ép nước, bỏ bã mà có thể cắt miếng nhỏ cho bé ăn vừa cung cấp đủ dưỡng chất, chất xơ vừa rèn luyện kỹ năng nhai của bé.

– Mẹ nên cho bé ăn 2-3 lần trong tuần các loại ngũ cốc như đậu, ngô, khoai… những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn có hàm lượng chất xơ cao.

-Khi mẹ chế biến rau củ quá kỹ, không chỉ chất xơ mà rất nhiều hàm lượng dưỡng chất khác cũng bị hao hụt, thậm chí còn làm mất mùi vị của rau khiến món ăn không hấp dẫn với trẻ.

-Bên cạnh việc chú ý bổ sung chất xơ, giúp bé phòng chống táo bón, mẹ có thể thực hiện thêm các biện pháp như tẩy giun đúng lịch, cho bé vận động phù hợp theo độ tuổi, mát xa bụng hàng ngày cho bé.