Vinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo Slider

Giao mùa, thời tiết chuyển mùa, nóng - lạnh thất thường…là những nguyên nhân gây các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ, nhất là ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu.

Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi do vi khuẩn hoặc virus gây nên. Bệnh viêm phổi thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh, thậm chí một số trẻ mới sinh ra vài ngày đã có thể mắc phải bệnh này.

Đối với trẻ bị viêm phổi, bố mẹ nên lưu ý:

- Cho trẻ uống thuốc thích hợp và đúng liều lượng: Nên cho trẻ dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, không nên lạm dụng. Để trẻ nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, rộng rãi, có thể cho trẻ nằm gối đầu cao một chút, thường xuyên trở mình đổi tư thế nằm cho trẻ hoặc thường xuyên bế trẻ dậy để giảm nhẹ ứ máu phổi. Trẻ trong thời kỳ hồi phục có thể tham gia hoạt động ngoài trời vừa phải, đều xúc tiến tiêu tan chứng viêm phổi. Tránh khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá, khói xe hơi, thời tiết lạnh hoặc tiếp xúc với các hóa chất.

- Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa và đủ chất. Nếu trẻ biếng ăn, không chịu ăn, mẹ hãy kiên trì, tăng cường cho trẻ bú, uống nhiều nước giúp loãng đàm, dịu họng, giảm ho và ăn để tránh trẻ bị thiếu chất, dẫn đến suy giảm sức đề kháng và bệnh nặng hơn. 

viem phoi o tre

Thời điểm giao mùa trẻ dễ bị viêm phổi

Suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là một trong các bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sinh non. Chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh xuất hiện sau đẻ một thời gian ngắn, từ vài giờ đến vài ngày sau khi sinh. Biểu hiện chính của chứng bệnh này là dấu hiệu khó thở xuất hiện đột ngột và dữ dội ở trẻ. Sau đó, trẻ thở nhanh trên 80 lần/ phút, co kéo cõ hô hấp, thở rên, chủ yếu chỉ thở ra, tím tái xuất hiện ngày càng tăng dần.

Trong thời gian đầu phát hiện ra bệnh, nếu trẻ không được điều trị kịp thời, sau vài giờ trẻ vật vã, thở chậm dần, cơn ngừng thở kéo dài, trụy tim mạch, tử vong. Khi trẻ bị suy hô hấp cấp, bố mẹ nên chú ý:

- Đặt trẻ ở tư thế thuận lợi cho việc hồi sức và lưu thông đường thở như nằm ngửa, kê gối dưới vai để đầu ngửa ra sau, cằm đưa về phía trước. Sau đó cần nới rộng quần áo tránh quá nóng hoặc quá lạnh so với nhiệt độ phòng.

- Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn đủ chất để tránh suy dinh dưỡng. Trẻ bú kém cần vắt sữa đổ thìa, hoặc cho ăn qua sonde dạ dày. Đặc biệt những trẻ bị bệnh này thường hay nôn trớ do đó cần cẩn trọng tránh gây hội chứng trào ngược hoặc sặc.

- Khi trẻ có dấu hiệu nặng, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đặt nội khí quản hoặc lắp máy hỗ trợ hô hấp, bóp bóng qua nội khí quản để thông đường thở cho trẻ.

Viêm đường hô hấp

Đây là căn bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết giao mùa, chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Trẻ viêm đường hô hấp thường có dấu hiệu như sốt, ho, chảy mũi nước, hắt xì hơi, có thể khó thở do bị ngạt mũi hoặc do phế quản bị phù nề. Lúc này bố mẹ sẽ thấy trẻ tím môi, cánh mũi phập phồng, lõm xương ức hoặc lõm các khe của liên sườn và rối loạn nhịp thở và số lần thở.

Đa số trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ chỉ kéo dài vài ba ngày là tự khỏi mặc dù không dùng kháng sinh, bởi vì hầu hết do virút gây ra. Tuy nhiên để đảm bảo trẻ nhanh khỏi bệnh và tránh được biến chứng nguy hiểm, bố mẹ cũng nên có chế độ chăm sóc đặc biệt khi trẻ bị viêm đường hô hấp:

- Trẻ bị ho, hắt hơi, sổ mũi nhưng không sốt hoặc sốt nhẹ: Bố mẹ có thể theo dõi ở nhà, không nên tự ý dùng kháng sinh và thuốc hạ sốt cho trẻ. Để kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ, mẹ nên đưa nhiệt kế vào khóe miệng hoặc cho vào hậu môn hoặc cặp nách của con (Lưu ý: Nếu cặp nhiệt độ ở nách thì nên cộng thêm 1/2 độ).

tre bi viem duong ho hap

Viêm đường hô hấp cũng là bệnh trẻ dễ bị khi giao mùa

- Khi trẻ ho nhiều, mệt mỏi, sốt trên 38 độ C và đặc biệt là có khó thở thì cần nhanh chóng cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh và xử trí kịp thời đề phòng trẻ bị viêm phổi cấp tính.

- Không nên mặc nhiều áo quần cho trẻ mà cần mặc quần áo rộng, thoáng để dễ thoát nhiệt. Lau mát cho trẻ bằng cách dùng khăn nhúng vào chậu nước sạch có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2 độ, lau ở trán, nách, bẹn (vài, ba giờ lau một lần) hoặc đắp khăn ướt lên trán, nách, bẹn. Tuyệt đối không dùng nước đá hoặc nước lạnh để làm hạ nhiệt cho trẻ.

- Nếu lau mát mà trẻ vẫn sốt trên 38 độ C thì có thể cho trẻ uống hoặc đút hậu môn thuốc Paracetamol, với liều lượng như sau: 3 – 11 tháng/tuổi dùng 80mg; trẻ 24 tháng/ tuổi dùng 120mg và trẻ trên 2 tuổi dùng10mg/kg thể trọng.

- Về chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, ấm và uống đủ lượng nước. Nếu trẻ còn bú mẹ thì cứ cho trẻ bú như bình thường hoặc tăng số lần và tăng thời gian bú mẹ lên càng tốt.

Nếu trẻ sốt vừa hoặc sốt cao mà chưa kịp cho trẻ đi bệnh viện được thì cần cho trẻ uống dung dịch ôrêzôn (ORS) loại 5,63g/gói, pha một gói vào 200ml nước đã đun sôi, để nguội. Liều lượng uống như sau: với trẻ sơ sinh, uống 50ml/lần x 2 – 3 lần/ngày. Trẻ từ 2 – 6 tuổi, uống 100ml/lần x 2 – 3 lần/ngày. Trẻ từ 6 – 12 tuổi, uống 150ml/lần x 2 – 3 lần/ngày.

Nếu không có ORS, mẹ có thể nấu nước cháo muối để thay thế. Lưu ý là nước cháo đã pha chỉ dùng trong ngày, tốt nhất là trong vòng 6 giờ. Trẻ dưới 2 tuổi cho uống từng thìa, trẻ lớn uống từng ngụm. Trường hợp, khi trẻ sử dụng dung dịch ORS hay nước cháo, nếu trẻ bị nôn ra, cần dừng lại, sau 5 – 10 phút cho uống tiếp.

Áp-xe phổi

Áp-xe phổi là một bệnh cấp tính do các ổ mủ trong phổi gây nên. Bệnh vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, đặc biệt nếu xảy ra với trẻ em. Nguyên nhân chính của áp-xe phổi là do vi khuẩn, có thể do vi khuẩn xâm nhập vào theo đường phế quản, theo đường máu, do viêm phổi hay xâm nhập qua cơ hoành. Vi khuẩn thường gặp ở đây là phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu...

Việc điều trị áp-xe phổi bao gồm:

- Sử dụng kháng sinh: Cần điều trị kháng sinh sớm, liều cao, đường tĩnh mạch, phối hợp kháng sinh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Thời gian điều trị là lâu dài và thường phải tính bằng tuần: Thường 6-8 tuần, trong đó ít nhất 2 tuần bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch.

- Dẫn lưu ổ áp-xe với các phương pháp: Dẫn lưu tư thế (tùy theo vị trí ổ mủ mà chọn tư thế bệnh nhân để mủ dễ ra ngoài kết hợp với vỗ rung lồng ngực), chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực, hút mủ qua nội soi phế quản ống mềm...

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân; cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm toan; giảm đau, hạ sốt.

Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nặng sẽ phải tiến hành phẩu thuật cắt phần phổi chứa ổ áp-xe để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.