Thủy Đậu thường xảy ra vào mùa xuân, có khả năng lây nhiễm cao và trở thành dịch. Chính vì vậy, trong giai đoạn chuyển mùa từ xuân sang hè sắp tới, các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến tình trạng sức khỏe của con thường xuyên hơn.
Đâu là dấu hiệu của bệnh thủy đậu?
Thủy đậu là bệnh ngoài da, biểu hiện chính của bệnh là những nốt rạ xuất hiện trên cơ thể của trẻ. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh chóng trong vòng 12- 24 tiếng, các nốt rạ sẽ phát triển thành mụn nước, mọc toàn thân hoặc rải rác trên cơ thể. Kích thước của mụn có thể từ 1 – 3 mm và chứa dịch bên trong. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi sẽ trở thành vẩy và tự khỏi hoàn toàn sau 4 – 5 ngày. Tuy nhiên nếu nặng hơn, mụn nước sẽ to hơn hoặc nếu nhiễm trùng thì mụn nước sẽ có màu đặc do chứa mủ.
Thông thường khi mắc bệnh Thủy Đậu, các dấu hiệu thường xuất hiệu theo trình tự sau:
Dấu hiệu bệnh thủy đậu
Vì sao bé lại mắc bệnh thủy đậu?
Bệnh thủy đậu là do virus Varicella – Zoster virus ( V-Z virus) được tìm thấy trong dịch hầu họng và nước ở các mụn nước.
Bệnh thủy đậu lây trực tiếp qua đường hô hấp khi trẻ nói, ho, hắt hơi,… Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ dùng cá nhân nếu chúng có chứa nước bọt hoặc chất dịch của trẻ.
Đồng thời, dịch chứa trong các mụn nước bị vỡ, bị trầy cũng chứa Virus gây bệnh, nếu các dịch này tiếp xúc với các vết thương hở cũng có thể khiến trẻ lây bệnh.
Làm gì khi trẻ mắc bệnh thủy đậu?
Điều đầu tiên mà mẹ cần làm khi trẻ mắc bệnh chính là để trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Đồng thời, mẹ cũng đừng quên các phương pháp như:
- Cách ly trẻ:
Tránh để trẻ tiếp xúc với những người khác, đặc biệt là những ai chưa mắc thủy đậu lần nào. Tất cả các đồ dùng vệ sinh cá nhân của trẻ như: bàn chải, khăn mặt,… cần được dùng riêng, và bỏ đi sau khi khỏi bệnh.
- Vệ sinh và chăm sóc trẻ:
Rửa tay và cắt ngắn móng tay để tránh trẻ tự gãi các nốt và vỡ mụn nước.
Đặc biệt, quan niệm kiêng nước cho trẻ là một sai lầm, bởi khi mắc bệnh, cơ thể trẻ vẫn cần được giữ vệ sinh. Mẹ có thể dùng nước ấm và khăn mềm lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo mới.
- Chế độ dinh dưỡng:
Trong giai đoạn đang mắc bệnh, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ vẫn cần có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡnng. Khi bị bệnh, trẻ sẽ không còn cảm giác ngon miệng, thèm ăn, chính vì vậy, mẹ hãy chế biến thực phẩm chế biến dạng lỏng, mềm và cho trẻ ăn các loại thực phẩm trẻ yêu thích.
Đồng thời mẹ cũng nên ưu tiên bổ sung các loại Vitamin A,C và kẽm trong giai đoạn bị bệnh.
Bổ sung Vitamin A, C và Kẽm trong thực đơn của trẻ trong thời gian trẻ bệnh giúp trẻ nhanh khỏe hơn
Phòng bệnh hơn chữa bệnh!
Giai đoạn chuyển tiếp từ Xuân sang Hè là khoảng thời gian thuận lợi khiến cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Chính vì vậy, thay vì chỉ quan tâm đến cách chữa, thì mẹ hãy trang bị cho mình một kiến thức tốt và kĩ lưỡng nhất, giúp phòng bệnh cho con.
Hiện nay, phương pháp tốt và lâu dài nhất để phòng bệnh chính là cho trẻ tiêm Vaccine chống thủy đậu, giúp cơ thể tạo kháng thể chống virus. Độ tuổi và số lượng tiêm phòng cho trẻ được áp dụng như sau:
· Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
· Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào tiêm 1 lần.
· Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.
Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giúp con tăng cường sức đề kháng khỏe mạnh từ bên trong để chống trọi lại các tác nhân gây bệnh.
Bệnh thủy đậu tuy không bị mắc lặp lại, song chúng có thể mang tới những biến chứng đặc biệt nguy hiểm đến sức khỏe như: Nhiễm trùng da, viêm tai, nhiễm trùng máu, tổn thương thần kinh trung ương,… Chính vì vậy, các mẹ chớ nên chủ quan khi trẻ mắc thủy đậu, hãy cho con đến bệnh viện ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu đấu tiên.