Cây cúc dại (Echinacea), một loại dược thảo bình thường bổng trở nên “nổi tiếng” khi một nghiên cứu qui mô lớn cho thấy nó có khả năng giảm 58% nguy cơ mắc bệnh cảm, rút ngắn thời gian bệnh và làm tăng đề kháng hay phòng trị cảm. Nghiên cứu được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dược học Craig Coleman của trường Đại học Connecticut, nghiên cứu này là một sự phân tích tổng hợp các kết quả của 14 cuộc thử nghiệm về công dụng chống cảm của Echinacea.
Giảm nguy cơ cảm, rút ngắn thời gian bệnh
Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases ngày 24/06/2007, những người uống Echinacea sẽ giảm trung bình 58% nguy cơ mắc bệnh cảm và thời gian bệnh cảm cũng giảm đi bình quân 1,5 ngày so với người không sử dụng loại thảo dược này. Một trong 14 thử nghiệm nói trên đã sử dụng Echinacea kèm với vitamin C, và kết quả là nguy cơ cảm giảm đến 86%. Trong những thử nghiệm khác, khi Echinacea được sử dụng độc lập thì tỉ lệ đó là 65%. Ngay cả đối với bệnh nhân đã được chủng ngừa rhinovirus – loại vi-rút thường gây ra bệnh cảm nhất – thì echinacea cũng làm giảm được 35% nguy cơ.
Chiết xuất cúc tím làm giảm 58% nguy cơ mắc bệnh cảm
Trong báo cáo của mình, nhóm nghiên cứu viết: “Trong số trên 200 loại vi-rút có khả năng gây bệnh cảm, echinacea chỉ có ít khả năng đối phó với rhinovirus, nhưng lại có tác dụng đáng kể đối với tất cả những vi rút còn lại”. Echinacea là một thuật ngữ được sử dụng cho 9 loài thực vật giống như cúc, có nguồn gốc ở Bắc Mỹ. Echinacea được mô tả là một phương thuốc trị bệnh truyền nhiễm, rắn cắn và bệnh dại trong y học cổ truyền của người da đỏ Sioux và các bộ tộc Plains Indians khác ở khu vực này.Ba trong số 9 loài nói trên được sử dụng rộng rãi là Echinacea purpurea, E. angustifolia và E. pallida.
Nhóm nghiên cứu cho biết hiện có trên 800 dược phẩm có chứa echinacea, dưới dạng viên, bột, nước quả ép, trà và rượu thuốc. Nhiều bộ phận khác nhau của echinacea – như hoa, mầm và rễ - cũng được sử dụng để bào chế những sản phẩm khác. Nhóm nghiên cứu tin rằng Echinacea có tác dụng tăng cường khả năng của hệ miễn dịch, nhưng họ chưa biết Echinacea tác động như thế nào đối với hệ miễn dịch trong việc chống lại vi-rút gây bệnh cảm. Ba thành phần chính của Echinacea là alkamides, chicoric acid and polysaccharides, nhưng các chuyên gia chưa biết rõ chúng hoạt động độc lập hay kết hợp với nhau, hay có sự hỗ trợ của những thành phần khác. Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục nghiên cứu về tính an toàn của loại thảo dược này trước khi nó có thể được khuyến nghị sử dụng như một sự chọn lựa chính thức cho việc ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh cảm.
“Một bước tiến đáng kể trong phòng trị cảm”
Giáo sư Ronald Eccles, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh cảm thông thường của trường Đại học Cardiff, nhận xét rằng nghiên cứu này là “một bước tiến đáng kể trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh cảm thông thường”. Ông nói: “Bằng việc phân tích và đánh giá một cách khoa học những thử nghiệm lâm sàng trước đây, nghiên cứu này đã cung cấp thêm căn cứ vững chắc cho việc khai thác khả năng của hệ miễn dịch trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm bằng cách sử dụng các loại thảo dược, như Echinacea.
Về nghiên cứu này, giáo sư Ron Cutler, thuộc trường Đại học East London, phát biểu: “Echinacea có khả năng rút ngắn thời gian bệnh và làm giảm mức độ ho, nhức dầu và nghẹt mũi do cảm gây ra”. Ông cho rằng “đối với những người có chức năng miễn dịch bị suy yếu, việc uống Echinacea trong những tháng mùa Đông sẽ giúp ngăn ngừa cảm, cúm, còn đối với những người khỏe mạnh thì không cần thiết phải sử dụng Echinacea để ngăn ngừa trong một thời gian dài”. Tuy nhiên, theo ông, “những lợi ích thật sự của Echinacea và cơ chế tác động của loài thảo dược này hiện vẫn chưa được biết rõ. Vì thế, những thử nghiệm lâm sàng lớn hơn và có sử dụng nhóm đối chứng cần được thực hiện trước khi Echinacea có thể trở thành một liệu pháp phòng chống bệnh cảm”.