Theo thống kê của các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, khoảng 10% trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, sổ mũi bị biến chứng do bố mẹ thiếu kiến thức chăm sóc, chữa trị cho bé nên bệnh trở nặng thành viêm xoang, viêm phế quản.
Ngạt tắc mũi là chứng bệnh thường gặp ở trẻ em do rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên đó là do nhiễm khuẩn, đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây ngạt mũi ở trẻ sơ sinh. Đôi khi dị ứng cũng làm trẻ sơ sinh bị ngạt mũi. Nếu bé bị ngạt mũi do nhiễm khuẩn hay dị ứng thường bệnh chỉ kéo dài 2 – 3 ngày là khỏi. Nếu bị ngạt mũi do trào ngược axit, viêm xoang hay nhiễm khuẩn thứ cấp khiến dịch mũi đổi màu bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần, nếu không chữa trị đúng cách.
Bình thường, trẻ thở bằng mũi một cách chậm rãi, đều đặn, không có tiếng kêu và miệng thì ngậm lại. Nếu chúng ta bịt bớt một bên mũi, trẻ vẫn tiếp tục thở một cách dễ dàng. Trong trường hợp mũi bị tắc, trẻ thở khó khăn và có tiếng kêu. Muốn biết mũi có bị ngạt không, ta có thể bịt một bên mũi và đặt lưng bàn tay vào sát lỗ mũi bên kia để cảm giác được luồng gió đi qua. Kiểm tra như vậy với từng lỗ mũi một. Khi bị ngạt mũi, trẻ phải thở bằng miệng nên họng khô, rát. Chất nhày của mũi chảy xuống họng làm cho trẻ vướng họng hay ho và hay bị trớ; Tiếng nói không được rõ các phụ âm M, N (M đọc thành B và N đọc thành Đ), trẻ nói giọng đặc biệt gọi là giọng mũi tắc.
Ngạt tắc mũi cũng hay gây ra tắc vòi tai nên trẻ có thể bị nghễnh ngãng và ù tai, gọi trẻ lúc nghe được lúc không, học sẽ sút kém; Tiếng thở của trẻ trở nên nặng, ban đêm ngáy to, thỉnh thoảng có những cơn ngạt thở và ho rũ do co thắt thanh quản. Nguyên nhân của sự co thắt này là phản xạ bị kích thích bởi nước bọt tràn vào thanh quản. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ bị viêm V.A và có viêm thanh quản.
Ở trẻ sơ sinh, ngạt tắc mũi làm trẻ bú khó khăn, bú không được dài hơi như trước vì khi bú trẻ không thở được bằng miệng nữa nên cứ bú một lúc lại phải dừng, há mồm thở để lấy thêm oxy rồi bú tiếp, chính điều này làm cho trẻ dễ bị sặc. Trẻ lớn có thể hỏi để phát hiện được thêm triệu chứng mất ngửi khi ngạt tắc mũi. Một số trường hợp trẻ bị viêm mắt tái phát nhiều lần vì viêm nhiễm từ mũi lan lên, nếu điều trị mắt đơn thuần sẽ không giải quyết được triệt để (vì mắt có ống lệ tỵ thông xuống mũi), những trẻ này phải khám thêm chuyên khoa tai mũi họng.
Ngạt tắc mũi cũng có khi do dịch mũi: Nếu trẻ chảy mũi thò lò ra cửa mũi trước, trường hợp này dễ nhận biết, nếu dịch mũi đặc sẽ gây tắc ngạt mũi; nhưng khi nước mũi chảy ra phía sau rồi rơi xuống họng thì sẽ khó phát hiện. Những trường hợp này là do hốc mũi bị phù nề nên cản trở chảy dịch mũi ra trước hoặc khi bị viêm hệ thống xoang sau. Lúc này, trẻ có cảm giác vướng họng hay ho, khạc đờm hoặc buồn nôn hay nôn.
Khi nào sử dụng kháng sinh cho trẻ? Như trên đã nói, ngạt tắc mũi nói riêng và viêm mũi nói chung do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do virut. Do vậy, để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ, tránh cho trẻ như những tổn thương gan thận có thể xảy ra khi dùng kháng sinh thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được kê đơn dùng thuốc đúng. Tóm lại, thường trẻ sau 6 tháng hay bị các bệnh lý về tai mũi họng do hết lượng miễn dịch của mẹ truyền cho khi sinh. Những bệnh lý mà trẻ mắc phải 80% là do virut nên thường chỉ nên dùng các thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho nhóm long đờm, chống ngạt tắc mũi... Để cơ thể trẻ có khả năng tự sản sinh ra kháng thể chống lại các bệnh lý này, cần phải theo dõi cẩn thận, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của bội nhiễm vi khuẩn như nước mũi vàng xanh, hơi thở hôi... phải dùng kháng sinh kịp thời.