Khi trẻ biếng ăn, đa số phụ huynh chỉ “chăm chăm” tìm cách “ép” trẻ ăn bằng được. Nếu không hiểu đúng bản chất bệnh, cha mẹ sẽ không tìm được đúng nguyên nhân để “loại bỏ” tận gốc và mang lại cho con cảm giác ăn ngon miệng.
Trẻ như thế nào bị coi là biếng ăn?
Mặc dù luôn “chê” con biếng ăn nhưng hiện vẫn có đến 9/10 bà mẹ không hề nắm được các biểu hiện, mức độ cũng như nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Đây là lý do khiến tỷ lệ “chăm nuôi con sai cách” ở nước ta đang ngày một gia tăng.
Số liệu của Hội dinh dưỡng Việt Nam năm 2013 cho thấy: Chỉ tính riêng TP.HCM đã có tới hơn 65% bậc cha mẹ cho trẻ ăn sai cách. Trong đó, 14% phụ huynh bắt trẻ ăn hết khẩu phần dù trẻ kêu khóc không chịu ăn, 19% phụ huynh vẫn đút ăn khi trẻ đã lớn, để dụ trẻ ăn có đến 23% người lớn phải bật quảng cáo hoặc dùng đồ chơi trong lúc ăn...
Trẻ biếng ăn không hào hứng với thức ăn, ngay cả với món mới
Các bác sỹ Nhi khoa khuyến cáo, việc ép ăn khi chưa hoặc không hiểu về đặc điểm bệnh lý sẽ tác động đến tâm lý và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển thể trạng của trẻ. Vì thế, mọi biện pháp khắc phục chứng biếng ăn chỉ nên cân nhắc nếu trẻ có 5 dấu hiệu điển hình sau đây:
- Trẻ lười ăn, ăn rất ít, ngậm thức ăn lâu, bữa ăn kéo dài từ 45 phút đến hơn 60 phút.
- Trẻ chỉ thích một số loại thức ăn nhất định hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn.
- Không hào hứng ăn, ngay cả với món mới.
- Khi ăn thường quấy phá, bụm miệng, la khóc, bướng bỉnh.
- Trẻ nhẹ cân hơn so với cân nặng chuẩn hoặc không tăng cân trong nhiều tháng liên tiếp.
Khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ
Bản chất của “biếng ăn” là trẻ lười ăn, ăn ít, ăn không đủ lượng dinh dưỡng cần thiết hoặc kén ăn, ăn thiên lệch (chỉ thích một số món nào đó). Cho nên, để trẻ hào hứng với mỗi bữa ăn, điều quan trọng nhất là phụ huynh phải đảm bảo được 03 yếu tố:
- Thứ nhất: tìm được nguyên nhân dẫn đến biếng ăn. Theo đó, nếu là biếng ăn sinh lý (biếng ăn tương ứng với từng giai đoạn phát triển của trẻ như lúc trẻ mọc răng, biết bò, biết đi…) thì không đáng lo ngại vì sau vài ngày đến vài tuần trẻ sẽ ăn ngoan trở lại.
Nếu là biếng ăn do bệnh lý như: Suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng (giun, sán…), sức đề kháng yếu làm trẻ dễ mắc bệnh (viêm đường hô hấp, viêm amiđan…) gây mệt mỏi chán ăn, rối loạn đường tiêu hóa… thì cần phải bổ sung các vi chất, dưỡng chất mà trẻ đang thiếu hụt như Lysin, Kẽm, Protein… ; tẩy giun định kỳ, bổ sung thêm lợi khuẩn giúp cân bằng hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Nếu là biếng ăn do tâm lý: Khi trẻ bị cha mẹ ép buộc, gò bó khi tới bữa ăn hoặc quát mắng,… sẽ tác động đến tâm lý trẻ khiến trẻ không chịu ăn và luôn sợ hãi khi tới bữa ăn. Do đó, các bậc phụ huynh nên thay đổi quan điểm và cách ứng xử về bữa ăn cho trẻ.
- Thứ hai: Nhanh chóng khôi phục, kích thích vị giác của trẻ bằng cách bổ sung đủ và cân bằng 04 nhóm thực phẩm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, rau xanh. Đặc biệt, nên cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm chứa Kẽm và các loại thực phẩm có chứa emzym tiêu hóa để kích thích cảm giác thèm ăn cho trẻ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Thứ ba: Tăng cường chức năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng cho trẻ bằng cách: Bổ sung các loại thực phẩm tăng cường lợi khuẩn kết hợp cho trẻ ăn nhiều thức ăn chứa nhiều vitamin, khoáng chất (rau xanh, hoa quả), các axít amin thiết yếu (thức ăn giàu đạm) hoặc bổ sung bằng đường uống một số chế phẩm tăng cường dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.
Ngoài ra, cần tăng cường vận động bởi các hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ tiêu hao nhiều năng lượng, nhanh có cảm giác đói, ăn ngon hơn và sức cũng khỏe tốt hơn.
Làm được những điều này, chứng biếng ăn ở trẻ sẽ chấm dứt, trẻ sẽ thèm ăn và ăn ngon miệng mỗi ngày.
(Nguồn: chamconkhoahoc.vn)