Vinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo Slider

Khi con bước vào giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi, mối quan tâm hàng đầu của mẹ là chuyện ăn dặm. Trong khi mải chú tâm vào việc nên chọn phương pháp ăn dặm nào, kiểu Nhật, Mỹ hay kiểu truyền thống, thì có một thói quen xấu mà không ít mẹ cho là hiển nhiên để rồi vô tình mắc phải, đó là lạm dụng đồ xay nhuyễn..

Những tác hại không ngờ của việc lạm dụng ăn đồ xay nhuyễn

1. Bé không biết nhai dẫn đến chậm phát triển về cả thể lực lẫn trí não

Nhai là một kỹ năng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng phải học trong quá trình phát triển. Giai đoạn chuyển giao từ bú sữa mẹ hoàn toàn sang ăn dặm, điều tất yếu là bé mới chỉ quen với phản xạ nuốt và thấy rằng nhai là một điều thật khó khăn, do đó có thể dẫn đến nôn trớ. Tuy nhiên nếu như trong cả những tháng sau đó mẹ vẫn tiếp tục duy trì ăn đồ xay nhuyễn, bé sẽ không vượt qua được "thử thách" đầu đời này, và điều thiệt thòi đầu tiên là bé sẽ phát triển không toàn diện so với bạn bè cùng trang lứa.

thuc pham xay nhuyen khong tot cho tre

Lạm dụng đồ ăn xay nhuyễn là thói quen mà nhiều mẹ vô tình mắc phải

Trái với lầm tưởng của mẹ, việc bé chỉ biết nuốt mà không qua bước nhai thức ăn sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, khiến trẻ khó hấp thu chất dinh dưỡng hơn và phát triển không đúng chuẩn, các chỉ số như BMI không tốt, tiềm ẩn nguy cơ còi xương, suy dinh dưỡng dù cho cân nặng có thể vẫn tăng đều.

Hơn thế nữa, phản xạ nhai còn là một phần trong quá trình học hỏi, phát triển tư duy của trẻ. Nếu không được học nhai ngay từ giai đoạn ăn dặm, bé coi như bị tước mất quyền được trải nghiệm những cảm giác mềm, cứng, dai, giòn… của từng loại thức ăn, từ đó hạn chế khả năng nhận biết và hình thành các phản xạ cơ bản của trẻ, hay nói cách khác, ảnh hưởng đến trí thông minh của bé.

2. Bé lười ăn

Cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng được tạo nên nhờ dịch vị được kích thích trong quá trình nhai, cảm nhận hương vị của thức ăn. Việc xay nhuyễn thức ăn khiến các công đoạn này được rút gọn chỉ còn lại đưa thức ăn vào miệng và nuốt. Điều này khiến cho việc ăn trở nên không khác gì uống nước. Bé sẽ coi việc ăn đơn thuần như nghĩa vụ, không có dịch vị kích thích, bé không cảm nhận được hương vị của thức ăn, nhanh chóng chán ăn và lười không chịu ăn.

Be luoi an

Ăn đồ ăn xay nhuyễn bé không cảm nhận được hương vị dẫn đến lười ăn

3. Nguy cơ viêm loét dạ dày

Điều này tưởng chừng như vô lý, vì thức ăn xay nhuyễn tạo một cảm giác vật lý êm ái và an toàn. Tuy nhiên không phải vậy. Các chuyên gia giải thích rằng, việc trộn lẫn các hương vị thức ăn khác nhau một cách không hợp lý sẽ dễ dẫn đến phản xạ nôn trớ. Đây chính là tác nhân dẫn đến các chứng loét dạ dày, thực quản, thậm chí là trào ngược dạ dày, ho mãn tính cùng nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn.

Lời khuyên cho mẹ

Với những nguy cơ trên, điều đầu tiên mà các mẹ cần làm là hiểu đúng về ưu, nhược điểm của đồ xay nhuyễn và không lạm dụng loại thức ăn này. Bước tiếp theo, mẹ cần chủ động cho bé làm quen với thức ăn thô để bé quen dần. Sau khi bắt đầu với thức ăn xay nhuyễn ở 1-2 tháng đầu tiên, mẹ có thể mạnh dạn tăng dần độ đặc/thô của thức ăn ở những tháng tiếp theo. Ban đầu có thể chỉ là nấu cháo đặc hơn, không dùng rây/lọc, sau đó thay vì nấu cháo bằng bột gạo thì dùng hạt gạo vỡ, rau và thịt cũng không cần băm quá nhỏ như trước. Để bé không bị hóc, trớ, mẹ nên tránh nấu quá thô, quá cứng, hoặc để lẫn phần thô và phần nhuyễn khiến bé không ước lượng được dẫn đến nghẹn; tránh xúc đầy thìa; và cuối cùng là theo dõi sự thích nghi của bé, đề phòng trường hợp bé ốm hoặc viêm họng. Điều quan trọng nhất vẫn là, không lạm dụng việc trộn lẫn các loại thức ăn khác nhau và xay nhuyễn. Cách tốn công hơn chưa hẳn đã tốt, mẹ nhớ nhé!