Theo số liệu khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cứ 3 - 4 trẻ thì có 1 bé mất cân bằng dinh dưỡng. Riêng ở Việt Nam có hơn 50% trẻ bị thiếu các dưỡng chất cơ bản, thiếu vitamin A, B1, C, D và Sắt trong chế độ ăn hằng ngày.
Các chuyên gia nhận định việc cho trẻ ăn nhiều đạm, thịt mà thiếu đi các loại thực phẩm khác như rau xanh, củ quả, protein và chất béo là không tốt vì điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ, có thể làm cho bé bị chứng biếng ăn và mất cân bằng dinh dưỡng.
Nghiên cứu về khẩu phần ăn của các học sinh tiểu học Hà Nội mới đây cho thấy: Các em thường được cung cấp quá nhiều protein so với nhu cầu, vượt quá mức khuyến nghị 2 lần, nhất là ở nhóm 6 tuổi và 7-9 tuổi. Lượng canxi, chất béo cũng dư thừa trong khi nhiều vi chất cần thiết như Kẽm, Selen, vitamin B1, B2, PP lại thiếu trầm trọng, hoặc chỉ đạt 1/2 mức khuyến nghị.
Biếng ăn dẫn đến trẻ bị mất cân bằng dinh dưỡng
Trẻ không thể tăng trưởng khi chế độ ăn mất cân bằng
Các nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em đã chỉ rõ: không có bất kỳ sự khác biệt nào về sự phát triển của trẻ 0 - 6 tháng tuổi ở nước ta so với các quốc gia khác trong khu vực, cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, từ giai đoạn ăn dặm trở đi, trẻ em Việt Nam lại có sự tụt hậu rõ rệt về chiều cao và cân nặng.
Số liệu năm 2014 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu rõ: Việt Nam đang là quốc gia có chiều cao thấp nhất Châu Á. Trong đó, chiều cao trung bình của nữ chỉ là 154 cm, của nam là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật Bản và 10 cm so với Hàn Quốc. Chiều cao tăng "ì ạch" nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi ở trẻ em Việt lại ở mức rất cao với hơn 16% trẻ bị SDD nhẹ cân, 26.7% trẻ bị suy dinh dưỡng về chiều cao, tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt trong nhiều năm (từ 2000 - 2009) ở các vùng miền trên cả nước luôn ở mức trên 30%...
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhận định: Có tới 32% sự phát triển thể lực, chiều cao của con người được quyết định bởi yếu tố dinh dưỡng. Do vậy, nếu khẩu phần ăn bị thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài, thể lực và trí tuệ của trẻ sẽ không thể tăng trưởng ở mức tối đa.
Nhiều trẻ đang ăn thiếu cân đối
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Không có một loại thức ăn nào có thể cung cấp mọi dưỡng chất cần thiết cho bé, vì thế chế độ ăn đa dạng có thể giúp bé cân bằng các chất đạm, béo, carbohydrate, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của bé. Ngoài ra, một điều cũng quan trọng là bé phải ăn đúng loại thức ăn cho từng giai đoạn phát triển thì mới không gây hậu quả biếng ăn, cơ thể mới khỏe mạnh và phát triển các thói quen lành mạnh trong tương lai.
Bổ sung cho trẻ chế độ ăn cân bằng, đa dạng
Thế nhưng, theo số liệu thống kê, tại Việt Nam chỉ khoảng 52% trẻ dưới 2 tuổi được chăm sóc và ăn bổ sung đúng cách. Còn lại trẻ "được" ăn theo chế độ "nhồi nhét", thừa chất này nhưng lại thiếu chất kia.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo: việc ép con ăn chỉ làm cho trẻ "rơi nhanh", "rơi sâu" vào tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng gây thiếu nhiều vi chất, dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Thiếu vi chất là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp, hệ thần kinh…Và nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với "gánh nặng kép" về dinh dưỡng (SDD - béo phì) song song tồn tại với các bệnh mạn tính khác khi trẻ lớn lên như tiểu đường, cao huyết áp... do chế độ ăn uống không cân đối.