"Kém hấp thu" là tình trạng bộ máy tiêu hóa của trẻ hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn được ít hơn so với bình thường. Khi bị thiếu hụt dưỡng chất sẽ kéo theo sự thiếu hụt năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Lâu ngày, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, kém phát triển chiều cao, cân nặng và kém thông minh và có thể còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch do suy giảm sức đề kháng.
1. Dấu hiệu tình trạng kém hấp thu ở trẻ
– Trẻ đi ngoài phân lỏng, phân có nhiều nước, khối lượng nhiều, phân không mịn, có mùi tanh, màu nhợt, có váng nổi trên mặt nước giống như mỡ.
– Trẻ đau bụng, bụng căng chướng hoặc sôi bụng.
– Trẻ mệt mỏi, thường xuyên uể oải, kém linh hoạt, ngủ không ngon giấc
– Trẻ biếng ăn, sút cân, hoặc ngừng tăng cân, chậm phát triển chiều cao, nhẹ cân.
Trẻ kém hấp thu dẫn đến biếng ăn, chậm phát triển chiều cao
2. Cách khắc phục tình trạng kém hấp thu ở trẻ.
Để cải thiện tình trạng kém hấp thu, cha mẹ cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Cho trẻ ăn đủ lượng: Nên cho trẻ ăn đủ số lượng cần thiết theo nhu cầu của trẻ. Nếu trẻ hoạt động nhiều thì cần cung cấp lượng dưỡng chất dồi dào hơn. Mẹ cũng cần dựa vào khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn của từng trẻ để xác định liều lượng thích hợp.
Bữa ăn chất lượng cần đảm bảo cân đối giữa tỉ lệ các chất trong khẩu phần ăn
– Ăn đủ chất: Nếu chỉ ăn nhiều mà không đủ các chất đạm, béo, đường bột, chất xơ… cần thiết thì trẻ khó tăng cân. Hoặc nếu trẻ ăn quá nhiều nhóm đạm béo đường mà ít chất xơ, vitamin và khoáng chất thì trẻ cũng khó tiêu hóa, hấp thu hiệu quả.
– Ăn đa dạng: Nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm trong ngày và đa dạng nhóm thực phẩm. Nếu chỉ ăn một loại thức ăn có thể sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu những chất khác từ những thức ăn khác và sẽ không có sự tăng trưởng toàn diện.
– Không cho trẻ ăn quá dư thừa: Ví dụ: với trẻ 6 tháng đang ở giai đoạn tập ăn dặm thì mỗi ngày chỉ nên ăn thêm ½ chén bột loãng, còn chủ yếu vẫn là sữa mẹ. Còn trẻ 10 tháng thì bên cạnh sữa mẹ, chỉ nên ăn ngày 3 lần cháo, mỗi bữa 2/3 bát con.
Ngoài ra, mẹ nên cho bé tham gia các hoạt động hàng ngày để tăng cường sức khỏe, việc này rất có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Với trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi, mẹ có thể hướng dẫn bé tập những bài tập vận động nhẹ nhàng trong nhà như leo trèo, tập bật nhảy, ném bóng, đá bóng hoặc sử dụng bút vẽ. Với bé trên 4 tuổi, hãy để bé tham gia vào các công việc hàng ngày trong gia đình. Việc nhà không chỉ giúp bé ham vận động mà còn dạy bé về kỹ năng xã hội. Khi giúp mẹ làm việc, bé có cảm giác mình là người quan trọng, là một thành viên hữu ích khiến cha mẹ vui lòng. Với trẻ đã bắt đầu đi học tiểu học, mẹ có thể cho bé tập đi xe đạp đến trường thay vì đưa đón bé mỗi ngày, vừa giúp bé vận động mỗi ngày lại vừa giúp bé dễ hòa nhập với bạn bè.