Đối với trẻ nhỏ, vấn đề dinh dưỡng đúng và đủ luôn là chủ đề "nóng" được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh đặc biệt với trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển vàng từ 1 -3 tuổi.
Theo điều tra năm 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%; tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao tới 69,4%; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%. Trong đó, Canxi, kẽm, vitamin A, vitamin D, Iod và sắt là sáu loại vi chất thiết yếu nhưng lại thường bị thiếu hụt do chế độ ăn không đảm bảo được nhu cầu cần thiết của trẻ. Vậy vai trò chính của 6 loại chất này trong quá trình phát triển của trẻ là như thể nào?
1. Calci:
Là khoáng chất cần thiết cho cấu trúc xương, răng. Thiếu Calci sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển chiều cao và tầm vóc sau này của trẻ. Thiếu Calci còn gây ảnh hưởng tới khả năng co của cơ thắt tâm vị làm trẻ hay bị nôn trớ, hay giật mình khóc đêm, ra mồ hôi trộm, thậm chí gây co rút cơ hoặc ngất xỉu. Nhu cầu Calci của trẻ tăng dần theo độ tuổi, khoảng từ 500 - 1000mg mỗi ngày. Trẻ nhỏ cần phải được bổ sung các thực phẩm giàu Calci như sữa và chế phẩm của sữa như phô mai, cua đồng, tép tôm, cá, đậu hũ,…
2. Vitamin D:
Là vi chất cần thiết để hấp thu Canxi và chuyển vào xương. Thiếu vitamin D, dù có ăn uống nhiều Calci thì cơ thể trẻ cũng không hấp thu được. Do đó, những biểu hiện khi thiếu vitamin D cũng gần tương tự như khi thiếu Calci. Một phần nhỏ vitamin D được cung cấp từ những thức ăn có chất béo như phô mai, bơ, hạt nhiều dầu,…còn phần lớn là do làn da trẻ tự tổng hợp dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.
3. Vitamin A:
Là loại vitamin quan trọng nhất với nhiều vai trò trọng tâm trong quá trình phát triển cơ thể. Thiếu vitamin A làm trẻ chậm tăng trưởng, giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh hô hấp, đường ruột, nhiễm trùng da; quáng gà, khô mắt và nguy hại nhất là bị mù khi thiếu vitamin A nặng. Trẻ nhỏ hay mắc bệnh có nhu cầu vitamin A cao hơn nhưng lại hay bị thiếu hụt do ăn uống kém do đó mẹ lưu ý kỹ nếu con nằm trong trường hợp này để có biện pháp bổ sung hợp lý. Những thực phẩm chứa nhiều Vitamin A cần bổ sung vào chế độ ăn của trẻ bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, phô mai,….
4. Kẽm:
Là khoáng chất có vai trò quan trọng trong nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể đặc biệt kẽm tham gia vào thành phần của hơn 300 enzym kim loại- Là chất xúc tác không thể thiếu được trong quá trình nhân đối ADN và tổng hợp protein. Do đó nó giúp tăng phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Chính vì vậy, thiếu kẽm làm trẻ biếng ăn, còi cọc, dễ mắc bệnh, khó ngủ, chậm tăng trưởng, tư duy chậm hơn,… và thường kèm với tình trạng thiếu máu. Kẽm có nhiều trong thủy hải sản như hàu, sò, ốc, cua, tôm, cá,…
5. Iod:
Nhu cầu bổ sung iod hàng ngày cho trẻ với lượng rất nhỏ như trẻ từ 1-3 tuổi chỉ cần 200µg/ngày nhưng đây là vi chất thiết yếu hàng ngày cho sự phát triển cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ. Thiếu Iod ở phụ nữ mang thai sẽ gây ra dị tật thai, thai lưu, trẻ sơ sinh đần độn, thiểu năng giáp,… Trẻ nhỏ thiếu Iod dẫn tới không tổng hợp được hormone giáp T3 (triiodothyronine) và T4 (thyroxine) làm ảnh hưởng tới quá trình điều hoà phát triển cơ thể gây giảm sút hoạt động trí não, chậm lớn, điều hòa thân nhiệt kém,... Những thực phẩm cung cấp I-ốt bao gồm muối ăn, sữa, phô mai, cá biển, rau chân vịt, cải thảo,...
6. Sắt:
Là vi chất không thể thiếu trong nhiều chức năng sống của cơ thể như tham gia tạo máu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan, tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin, sắc tố hô hấp của cơ hay tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể,... chính vì thế nếu trẻ thiếu sắt lâu ngày sẽ dẫn tới thiếu máu, xanh xao, ốm yếu,... Những thực phẩm cung cấp sắt gồm có thịt bò, thịt cừu, thịt gà, tôm, cá ngừ, hàu, các loại đậu, rau chân vịt, cải xoăn, xu hào,...
Với những vai trò không thể thiếu được của 6 loại vi chất trên mẹ nên lưu ý bổ sung đầy đủ cho trẻ. Nếu bổ sung cho trẻ qua thức ăn chưa đủ mẹ cần bổ sung cho trẻ qua thực phẩm để tránh hiện tượng thiếu chất gây chậm phát triển cho trẻ.