Dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng nhưng đôi khi các bà mẹ lại hay mắc phải một số sai lầm trong việc chế biến món ăn và việc đó đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ mà mẹ không biết. Do đó, mẹ thường thắc mắc tại sao cho trẻ ăn nhiều, thực phẩm nhiều dinh dưỡng mà sao trẻ vẫn còi? Đó là vô tình khi chế biến thức ăn cho trẻ, mẹ đã mắc một số sai lầm sau đây:
1. Hâm đi hâm lại thức ăn
Do quá bận rộn, quỹ thời gian eo hẹp, mà bé lại ăn mỗi bữa không nhiều, vì vậy một số mẹ buộc phải nấu một lần chia làm nhiều bữa. Tuy nhiên, khi hâm đi lại, lượng vitamin trong rau sẽ mất đi và mùi vị trở nên khó ăn hơn với trẻ. Cách này cũng dễ làm trẻ bị ngán. Bên cạnh đó, thức ăn được hâm lại nhiều lần khi bảo quản trong tủ lạnh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập mà mẹ không thể thấy được bằng mắt thường. Khi cho bé ăn, trẻ có nguy cơ bị đau bụng, ngộ độc thực phẩm.
Hâm đi hâm lại thức an khiến lượng dinh dưỡng trong thực phẩm bị mất đi
Mẹ có thể hầm một nồi cháo trắng khoảng 3 chén, sau đó múc ra một bát cháo để nấu riêng với các loại thịt, rau cho từng bữa. Phần cháo trắng còn lại mẹ có thể bảo quản trong tủ lạnh.
2. Hiểu nhầm về tác dụng của nước hầm xương
Rất nhiều mẹ đến gặp bác sĩ với cùng chung một câu hỏi "Tại sao mình bỏ nhiều công sức chăm con mà con vẫn bị suy dinh dưỡng? Thường xuyên hầm xương để nấu cháo mà trẻ vẫn không tăng cân, thậm chí còn sút cân?". Các bà mẹ không biết rằng trẻ không thể ăn canh súp này liên tục trong một tuần. Trẻ nhỏ nhưng cũng đã biết thưởng thức mùi vị, ăn mãi một món rất dễ thấy ngán. Và không phải món ngon của mẹ luôn là món ngon của con. Cho bé ăn uống đa dạng, đổi món thường xuyên là cách tốt nhất để bé nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng mà không bị ngán.
Nhiều người quan niệm nước hầm là một thức ăn đặc biệt bổ dưỡng vì họ nghĩ rằng sau khi hầm nhừ một loại thực phẩm nào đó, tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm đã tan vào trong nước, "phần cái" còn lại chỉ là "xác".
Trên thực tế, các phân tích về thành phần dinh dưỡng đã cho thấy chất đạm có trong các loại thịt, cá, tôm… có nấu trong thời gian bao lâu thì vẫn chỉ có ở phần thịt mà không hòa tan vào trong nước, chất xơ trong rau củ cũng tương tự. Vì vậy, muốn trẻ hấp thu đủ các chất dinh dưỡng, phải cho trẻ ăn cả phần "thịt" của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm…
3. "Lạm dụng" máy xay sinh tố xay thực phẩm
Có nhiều trẻ 3-4 tuổi, răng mọc đã mọc đủ nhưng mẹ vẫn cho trẻ ăn thức ăn được xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố vì lo lắng rằng trẻ không quen ăn thức ăn thô. Tuy vậy, trong quá trình phát triển của trẻ, nhai là một kĩ năng vô cùng cần thiết. Nếu cha mẹ bỏ qua kĩ năng này, trẻ sẽ có nguy cơ chậm phát triển cũng như gặp các vấn đề về tiêu hóa. Trẻ em quen với việc nuốt mà không biết nhai sẽ kém hấp thu chất dinh dưỡng hơn nhiều và chậm lớn hơn so với các trẻ em đồng trang lứa.
Thường xuyên sử dụng thức ăn xay nhuyễn sẽ khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển
Để tránh sai lầm nói trên, mẹ nên tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm của trẻ. Mẹ có thể tham khảo lộ trình cơ bản sau: Khi trẻ 6 tháng tuổi, tập ăn bột loãng rồi sệt dần, 7-8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng tập quen với cháo nấu còn hột và các thức ăn mềm như phở, bún, nui… Khi trẻ 2 tuổi mọc đủ răng hàm có thể bắt đầu ăn cơm.
Mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ chưa quen và xảy ra tình trạng nôn trớ, song mẹ hãy kiên trì bởi bé sẽ nhanh chóng thích nghi. Mẹ cũng có thể "cai máy xay sinh tố" bằng cách xay thô dần (thời gian xay ngắn lại), sau đó cho trẻ ăn cháo nấu đánh qua rây inox có lỗ hơi to, chuyển dần với cháo hột, cháo đặc, cơm nhão chan canh, rồi cơm hột…
4. Quá tin tưởng vào khả năng nêm nếm khi chế biến thức ăn cho trẻ
Trẻ nhỏ có cảm giác vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều, vì con người càng lớn thì lưỡi càng bị "chai đi" và nhiều người già bị mất cả cảm giác này. Việc cho muối vào cháo của trẻ có thể gây ảnh hưởng đến thận. Chức năng thận của trẻ 7 tháng tuổi rất non nớt và việc nạp quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Thận của bé chưa hoàn thiện về mặt chức năng, chưa đủ khả năng xử lý được lượng muối lớn trong cơ thể, có thể gây ứ đọng muối dẫn đến cao huyết áp, phù thũng, rối loạn nhịp tim,… Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ của trẻ.
Tốt nhất, với bé dưới 1 tuổi mẹ không nên nêm muối, mắm vào thức ăn của trẻ. Với trẻ trên 1 tuổi, mẹ nếm bột/cháo của bé thấy vừa miệng mẹ có nghĩa là bột/cháo đó mặn so với bé. Vì vậy khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, cần nêm nhạt hơn "lưỡi" của bạn một chút. Nếu người mẹ nêm vừa miệng mình thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt so với trẻ.